Thời Mã Ân trị vì Mã_Hy_Thanh

Mã Ân dần khoách trương lãnh thổ, trở thành một chư hầu của triều Hậu Lương, rồi triều Hậu Đường, và được phong tước Sở vương; và Sở quốc vương.[9] Mã Ân sau đó tiến hành kiến quốc, thiết lập bá quan, đến năm 929, Mã Ân bổ nhiệm Vũ An tiết độ phó sứ, kiêm quyền Trường Sa phủ Mã Hy Thanh làm Tri chính sự, Tống lục trung ngoại chư quân sự. Từ khi đó, quốc chính đều thông qua Mã Hy Thanh trước khi báo cho Mã Ân.[10] (Mã Hy Chấn chính thất sinh ra và là huynh trưởng, do vậy theo tục lệ truyền thống sẽ là người kế vị, song Mã Hy Thanh được chọn vì Viên đức phi là người được Mã Ân sủng ái.[6] Mã Hy Chấn trở thành một đạo sĩ và thoát ly khỏi chính trường.[8])

Sau khi nắm quyền lực tại Sở, Mã Hy Thanh trở nên nghi ngờ mưu chủ của cha là Cao Úc (高郁). Ban đầu, Nam Bình vương Cao Quý Hưng khiển sứ đưa thư cho Mã Hy Thanh, bề ngoài là để xin phép được kết làm huynh đệ với Cao Úc, khiến ngờ vực trong lòng Mã Hy Thanh nổi lên. Trong khi đó, Hành quân tư mã Dương Chiêu Toại (楊昭遂) là người trong tộc của thê của Mã Hy Thanh, người này âm mưu thay thế vị trí của Cao Úc, do đó thường xuyên gièm pha Cao Úc trước Mã Hy Thanh. Mã Hy Thanh do đó nói với cha rằng Cao Úc xa xỉ, lạm quyền, tiếp xúc với bên ngoài, đề nghị cha diệt trừ. Mã Ân từ chối, sau do Mã Hy Thanh liên tục thỉnh bãi binh quyền của Cao Úc, Cao Úc bị làm hành quân tư mã. Cao Úc nói với thân tín "Ta xây gấp phủ ở Tây Sơn để quy lão, chế tử lớn dần và nay có thể cắn người." Mã Hy Thanh tức giận và giả lệnh Mã Ân để sát hại Cao Úc cùng gia tộc. Khi Mã Ân hay tin, ông đấm ngực kêu khóc thảm thiết, song không trừng phạt Mã Hy Thanh.[10]

Tháng 10 ÂL năm Canh Dần (930), Mã Ân bị bệnh nằm trên giường, khiển sứ sang Hậu Đường xin truyền vị lại cho Mã Hy Thanh. Triều đình Hậu Đường không tin tưởng Mã Hy Thanh, nên ngày Tân Hợi (21) cùng tháng (14 tháng 11), chỉ bổ nhiệm ông làm giữ chức Vũ An tiết độ sứ, kiêm Thị trung. Ngày Kỷ Tị (10) tháng 11 (2 tháng 12), Vương Ân qua đời, di mệnh chư tử phải truyền lại ngôi vị cho huynh đệ, còn để kiếm ở từ đường và nói ai làm trái mệnh thì hãy giết. Chư tướng Sở ban đầu muốn khiển binh trấn thủ biên cảnh rồi mới phát tang, song theo ý của Binh bộ thị lang Hoàng Tổn (黃損), họ cử người cáo chung và để Mã Hy Thanh kế vị.[1]